Vui lòng dùng định danh này để trích dẫn hoặc liên kết đến tài liệu này: http://115.74.233.203:81/tailieuso/handle/123456789/2065
Nhan đề: Khảo sát hoạt tính kháng nấm Trichophyton mentagrophytes và kháng oxi hóa của một số tinh dầu thuộc họ hoa Môi (Lamiaceae)
Tác giả: Tào, Việt Hà
Nguyễn, Ngọc Yến
Huỳnh, Hải Vân
Từ khoá: Hoạt tính kháng nấm
Kháng oxi hóa
Tinh dầu
Hoa Môi
Năm xuất bản: 2024
Nhà xuất bản: Đại học Tây Đô
Tóm tắt: Tỉ lệ nhiễm nấm đang gia tăng đều đặn trong những năm gần đây. Đồng thời, tần suất nhiễm trùng do các chủng kháng thuốc và mầm bệnh mới cũng đang tăng lên. Một lựa chọn thay thế cho thuốc có thể là tinh dầu, có phổ kháng vi sinh vật rộng. Trong số các họ thực vật thì các loại thực vật thuộc họ Hoa môi được cho là giàu tinh dầu nhất. Nguyên liệu Hương thảo được thu hái từ Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; Hương nhu tía, Tía tô, Húng chanh, Húng quế từ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Các tinh dầu được trích ly từ phần thân lá của cây bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước và khảo sát thành phần hóa học bằng phương pháp GC-MS. Tinh dầu tinh khiết được khảo sát khả năng kháng oxi hóa bằng phương pháp sử dụng DPPH và khả năng khử sắt; khả năng kháng nấm Trichophyton mentagrophytes bằng phương pháp khuếch tán trên thạch qua đĩa giấy và pha loãng. Nhìn chung, thành phần hóa học trong mỗi tinh dầu chứa từ 20 đến hơn 80 hợp chất chủ yếu là các terpenoid. Trong đó, tinh dầu Hương nhu chứa 81 hợp chất với thành phần chính là methyleugenol (51,8%); Hương thảo chứa 28 hợp chất với thành phần chiếm hàm lượng cao gồm eucalyptol (22,66%), α-pinen (19,37%) và cis-verbenol (18,53%); Húng quế chứa 26 hợp chất chủ yếu là estragol (86,68%); Húng chanh chứa 21 hợp chất, trong đó hàm lượng cao nhất là carvacrol (61,83%). Các tinh dầu trong nghiên cứu đều thể hiện khả năng kháng nấm Trichophyton mentagrophytes với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) dao động từ 0,015 đến 0,5%. Trong đó, tinh dầu Hương nhu tía, Tía tô và Húng quế thể hiện khả năng kháng nấm tốt nhất với giá trị MIC là 0,015%; các tinh dầu còn lại thể hiện khả năng kháng nấm tương đối tốt với MIC là 0,25% đối với tinh dầu Hương thảo và 0,5% đối với tinh dầu Húng chanh. Trong cả hai phương pháp thử thì tinh dầu Hương nhu tía thể hiện hoạt tính kháng oxi hóa mạnh nhất, kế đến là Húng chanh, Húng quế; Hương thảo và Tía tô thể hiện khả năng kháng oxi hóa yếu nhất trong nhóm. Cụ thể là giá trị IC50 từ 53 đến 113 µg/mL (so với vitamin C là 5,08 µg/mL) trong phương pháp sử dụng DPPH; giá trị OD0,5 từ 40 đến 100 µg/mL (so với vitamin C là 4,75 µg/mL) trong phương pháp khử sắt. Nghiên cứu góp phần cung cấp những dữ liệu khoa học về khả năng kháng nấm và kháng oxi hóa của tinh dầu họ Hoa môi, làm nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng về sử dụng nguồn nguyên liệu phổ biến trong nước để tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sử dụng của các loài cây thuộc họ Hoa môi, có thể thúc đẩy mở rộng những vùng chuyên canh và tăng thu nhập cho người nông dân.
Định danh: http://115.74.233.203:81/tailieuso/handle/123456789/2065
Bộ sưu tập: Dược học

Các tập tin trong tài liệu này:
Tập tin Mô tả Kích thước Định dạng  
_file_5.04 MBAdobe PDFXem
Your IP: 3.147.86.104


Khi sử dụng các tài liệu trong Thư viện số phải tuân thủ Luật bản quyền.